BỆNH VIÊM RUỘT Ở CHÓ - BenhVienThuY.com
1. Nguyên nhân bệnh viêm ruột ở chó
Có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột ở chó, đa phần đều do vi rút kí sinh và làm rối loạn hệ tiêu hóa, tấn công vào hệ miễn dịch của thú cưng gây suy giảm hệ miễn dịch và tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, vi rút khác tấn công.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về thú y, các loại vi khuẩn phổ biến gây bệnh chó thường gặp như: Parvovirut, E.Coli, Salmonella, Leptospira, nấm,...
Bên cạnh đó, chó của bạn có thể bị viêm đường ruột do ăn phải các thức ăn nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc do thói quen đánh hơi ở những nơi không đảm bảo vệ sinh. Do đó, luôn phải đảm bảo vệ sinh về môi trường và nguồn thức ăn cho chó để tránh nguy cơ mắc bệnh này.
2. Biểu hiện bệnh viêm ruột ở chó
Khi mắc bệnh thì sẽ có những hiện tượng tiêu chảy kết hợp với nôn mửa, ở trường hợp này thường do chó bị viêm đoạn trước ruột non. Còn khi con vật biểu lộ đau vùng bụng, thì có thể viêm đã lan xuống ruột già, đây là giai đoạn nguy hiểm đối với thú cưng.
Khi đi vệ sinh thì phân của chó có hiện tượng phân lỏng có mùi tanh hôi khó chịu và có thể có màu xanh đậm hoặc đen do xuất huyết ở phần sau ruột già. Còn nếu bụng căng lên có thể đã bị sốt do nhiễm trùng.
Xuất hiện ở một số con chó lại có biểu hiện đau bụng, lúc đó cún cưng sẽ nằm ở tư thế hai chân trước chống lên, bụng sôi hoặc chướng nhẹ.
Trong trường hợp này, chúng ta không nên quá lo lắng hoặc tự ý điều trị cho chó. Hãy đem thú cưng của bạn tới các phòng khám thú y gần nhất để nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, các loại vi khuẩn, vi rút này cũng có thể lây lan sang cơ thể người, do đó bạn cần cẩn trọng khi tiếp xúc với cho mắc bệnh.
3. Cách điều trị bệnh viêm ruột ở chó
Khi chó bị bệnh phải cách ly điều trị, tránh lây sang chó khoẻ.
Ngừng cho ăn trong vòng 24 giờ, truyền dịch để bù nước và chất điện giải đã mất (đây là biện pháp tốt nhất). Nếu không truyền dịch được thì dùng chất điện giải pha với nước sạch cho chó uống (nếu chó không tự uống được thì dùng xi lanh bơm vào miệng, ít nhất 3 lần/ngày).
Dùng thuốc cắt nôn bằng cách tiêm thuốc Antropin với liều 1ml/7 - 10kg thể trọng.
Dùng thuốc cầm máu bằng cách tiêm Vitamin K với liều 1ml/7 - 10kg thể trọng hoặc cho chó uống nước lá cây nhọ nồi, ngày 2 - 3 lần.
Dùng các loại thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng như Marphamox, Anfnor TTS , Octacin… với liều 1ml/5 - 7 kg thể trọng, ngày tiêm 2 lần, tiêm liên tục 3 - 4 ngày.
Kết hợp với dùng thuốc trợ sức, trợ lực để chó nhanh hồi phục như tiêm Vitamin B1, B.Complex, Sorbitol B12… Đồng thời trong quá trình điều trị cho chó ăn trứng gà sống, ngày từ 1 đến 2 quả.
Lưu ý: Trong quá trình điều trị tuyệt đối không được cho chó ăn chất mỡ, tanh. Sau khi chó hồi phục hoàn toàn nên tẩy giun, sán. Không nên tự ý điều trị tại nhà khi không am hiểu về tình trạng bệnh cũng như chưa có lời khuyên từ các bác sĩ.
Nguồn: BenhVienThuY.com